[Review] Chú bé đeo ba lô màu đỏ

0
387
views

CHÚ BÉ ĐEO BA LÔ MÀU ĐỎ – MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH NGƯỢC XUÔI CỦA TÌNH YÊU, LÒNG BÁC ÁI,… VÀ SỰ TRƯỞNG THÀNH

“Nhà văn là người dẫn đường vào xứ sở cái đẹp” (Pautốpxki)

Chú bé đeo ba lô màu đỏ

Nhẹ nhàng và lặng lẽ, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã đưa độc giả đi hết “dặm dài đất nước” cùng chú bé đeo ba lô màu đỏ. Hành trình xuôi Bắc vào Nam của cậu bé Hưng với chiếc ba lô màu đỏ trên con đường tìm kiếm người mẹ cũng là hành trình trưởng thành của một đời người, và cũng là “trăm năm của đời thảo mộc” (như cái cách Nguyễn Minh Châu nhìn nhận về đời văn và đời người).

Hưng – một thằng nhóc không có gì nổi trội, sinh ra và lớn lên ở Thạch Biên – một  thị trấn cũng chẳng lấy gì làm đặc sắc ngoại trừ có hẳn một cái tên trên bản đồ đất nước! Vào những năm chín mươi của thế kỉ trước, thị trấn Thạch Biên giống như một đứa trẻ suy dinh dưỡng độ ba, hết sức còi cọc. Nửa quê nửa phố, nằm khuất nẻo ở vùng trung du phía Bắc Việt Nam…

Thoạt đầu, thị trấn Thạch Biên chẳng khơi lên trong tôi một sức gợi nào cả, không ấn tượng, cũng không hứng thú. Tôi đã tưởng mình sẽ không đọc hết tác phẩm này, nhưng thực lạ, giờ thì tôi ngồi đây và mong muốn sẽ có thêm nhiều người biết về nó. Một cách nhẹ nhàng và lặng lẽ như cái duyên tôi tìm gặp quyển sách này, như cái chất văn cũng điềm đạm, chất phác như gió thoảng mây trời nơi Thạch Biên, nơi ngóc ngách của hành trình xuyên Bắc – Trung – Nam đã cuốn tôi theo chiều gió… Hít thở và cảm nhận. Tâm hồn tôi như được gột rửa sau cơn mưa rào qua hành trình này.

Khi đọc giữa chừng Chú bé đeo ba lô màu đỏ, tôi có cảm tưởng đây là một bản lật ngược của truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam – cũng là hồi ức, là kỉ niệm, là những hoài niệm khó phai về sự sống đủ đầy nơi phố thị và chệch choạng “trong suốt giữa hai bờ hư thực” (Nguyễn Duy), cũng mang niềm hy vọng dù cho thực tại đầy rẫy những biến cố, bấp bênh và vô thường. Lật ngược ở đây tức là về mạch truyện của hai tác phẩm: một là cái nhìn ở thực tại rồi xen kẻ những kí ức vụn vặt về thời thơ ấu của hai chị em Liên, An; cái còn lại là dòng hồi ức về quá khứ ở thực tại và hành trình tiếp nối đến tương lai…

Chuyến tàu đêm lóe lên niềm hy vọng trong hằng tá ngày trường quẩn quanh của những con người thấp cổ bé họng nơi phố huyện nghèo nàn (Hai đứa trẻ).

Chiếc ba lô màu đỏ – đồ vật ít được nhắc đến nhất trong suốt thiên truyện lại là minh chứng cho hành trình dài ba năm lưu lạc cùng với ý niệm sống để tìm kiếm của cậu bé Hưng.

Từ Thạch Biên êm đềm đến dòng sông Hoành oan nghiệt nhưng không hề tuyệt tình, lại về phố huyện rồi thành phố, lại từ thành phố mà băng qua những triền đèo, đi dọc xuôi các tỉnh thành miền Bắc, rồi lại ra Nam, vào Sài Gòn rồi lại về lại Thạch Biên. Hành trình tóm lược của cậu bé Hưng mà ngỡ như dài cả đời người, ngỡ chỉ có trong đời văn, nhưng bạn sẽ càng bất ngờ thậm chí là sửng sốt khi kiên nhẫn đọc đến cuối truyện vì những cái ngỡ này đều dựa trên người thật, việc thật. Phải, đó là cả một đời người. Mà đã gọi là đời người thì những cuộc gặp gỡ, chia xa hẳn đã như một công thức chung bởi con tạo vần quay.

Hành trình tìm mẹ của Hưng không đơn thuần chỉ là việc nhận mặt người mẹ chưa một lần gặp mặt nhưng lại trở nên rất gần qua tấm ảnh nhỏ cắt tròn trong chiếc đồng hồ quả quýt của người cha gù, qua những lời nói của bà Xuân về tấm lòng mẹ dành cho Hưng… Đó còn là câu chuyện đầy nhân văn và ý nghĩa, đượm vị của cuộc sống và tình  người qua những con người như: người rừng, cô đào và ông Mật, chị Linh anh Vũ, bà Bỉnh và hai đứa con là chị Mây và thằng Nước…

“Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em.” Tôi nghĩ câu nói của bác Ánh – nhà văn chuyên dẫn đường cho độc giả đến xứ sở của cái đẹp, của cái hồn người, của cái tình non nước cũng là dành cho thiên truyện nhẹ mà không hẫng, nặng mà không chênh này…

Một câu chuyện vừa đủ đẹp, vừa đủ đau thương, vừa đủ những gì bạn có thể bắt gặp trong cõi đời luân phiên lưu chuyển này.

Một buổi tối bình thường, lòng đẹp và nở hoa.

11:37 tối ngày 29 Tết Kỷ Hợi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here