[Review] Lang Gia Bảng – Tần Bàn Nhược

5
2757
views

Thông tin cơ bản:

Tác phẩm: Lang Gia Bảng (3 tập)

Tác giả: Hải Yến

Thể loại: Cổ đại, cung đấu, tranh quyền đoạt vị, SE.

Nhân vật bàn luận: Tần Bàn Nhược/Tần Bát Nhã (Vương Âu).

Trong một phim nam chủ, thiên về cuộc tranh quyền đoạt vị của các nam nhân chốn hoàng triều, không thiếu những hoàng thân quốc thích cao quý, giỏi giang. Vậy mà giữa rất nhiều những nam nhân ưu tú, tôi lại thích nhất một nữ nhân.

Mưu sĩ Dự vương phủ, Tần Bàn Nhược.

Tôi thích Bàn Nhược, thật sự rất thích.

Tần Bàn Nhược – một cô gái tao nhã, xinh đẹp, kiều diễm mị nhân. Dáng người mảnh mai như liễu, làn da trắng ngần như ngọc, đôi mắt buồn và trái tim băng giá. Bàn Nhược – nàng đẹp lộng lẫy nhưng cũng nguy hiểm vô cùng. Nàng là đồ đệ xuất sắc nhất của công chúa Toàn Cơ, cũng là một nữ nhân Hoạt tộc điển hình. Dung mạo nàng mỏng manh yêu kiều như hoa như khói, nhưng trái tim nàng, tâm hồn nàng, ý chí của nàng mạnh mẽ hơn bất kỳ ai. Nàng tàn nhẫn, nàng thâm hiểm, nhưng lòng nàng cháy bỏng và nhiệt thành.

Có lẽ năm xưa, khi chưa mất nước, Bàn Nhược là một cô gái thường dân trong trẻo, hồn nhiên, thuần khiết như sương. Hoặc cũng có thể là tiểu thư lá ngọc cành vàng, thiên kim tướng phủ thông minh hoạt bát như Triệu Tiểu Mãn (vai của Vương Âu trong “Tinh trung Nhạc Phi”) trước khi cả nhà bị thảm sát. Nàng là đồ đệ của Toàn Cơ công chúa, như vậy thân phận địa vị ắt cũng hơn người, tài sắc lại vẹn toàn, cuộc sống có gì không viên mãn?

Nhưng đột ngột, bông mẫu đơn ấy bị kéo tận gốc từ đất mẹ, bị vùi dập trong gông cùm xiềng xích. Tôi vẫn còn ám ảnh câu nói của Mộ Dung Ly trong “Thích khách liệt truyện”: “Nước mất rồi, tâm cũng chết… Những kẻ mất nước, đi đến đâu cũng chỉ cảm thấy đau thương”. Tôi cũng không biết vì sao, mình luôn không thể kìm chế sự yêu thích trước kiểu nhân vật mất nước, luôn nỗ lực khôi phục giang sơn. Tôi chỉ biết rằng, một cô gái còn trẻ như thế, trong một cảnh ngộ như thế, không có ai bảo bọc, che chở, không thể nào nhân hậu hiền lương mà sống sót trên đất kẻ thù. Vì vậy, nàng phải ác, phải mạnh mẽ như hoa xương rồng kiêu sa lãnh diễm giữa sa mạc khô cằn.

Nhiều người cho rằng nàng thuộc phe phản diện, tôi cho rằng không phải. Nếu đứng trên lập trường của Hoạt tộc mà xét, con đường nàng đi là con đường chính đạo. Nàng trung quân ái quốc, sẵn sàng dùng mạng của mình đổi lấy hy vọng phục quốc mong manh. Nàng khát khao được rửa nhục cho dân tộc, ước mơ trả được nợ nước thù nhà.

Nhìn nàng, tôi lại nhớ đến đất nước tôi không biết bao lần bị xâm lăng bờ cõi. Tiểu quốc thì sao? Tiểu quốc thì có thể cho người ta tùy ý chà đạp sao? Tiểu quốc chẳng lẽ không thể vùng lên chống trả, rửa nhục quốc gia, thống nhất sơn hà? Thực ra nàng rất giống Lâm Thù, đều là “sống lại” từ địa ngục khói lửa của chiến tranh, đều là do toàn tộc đổi mạng để nàng và sư phụ nàng được sống. Nàng tận mắt nhìn máu của đồng bào vô tội đổ xuống dưới lưỡi kiếm của quân thù, nhìn quê hương bị giày xéo, phần mộ của tổ tiên bị giày nát dưới vó ngựa Xích Diễm quân. Cô gái nhỏ bé ấy bất lực nhìn nước mất nhà tan, nhìn hoàng tộc bị giết trong biển lửa. Bàn Nhược, nàng cảm thấy như thế nào? Lâm Thù nhìn bảy vạn anh hồn chôn thây trên đỉnh Mai Lĩnh, hắn đau đớn thét gào, hắn “bò lên từ địa ngục”, “ở trong chốn tăm tối này khuấy đảo phong vân”, “những việc đen tối và nhuốm máu tươi này, cứ để ta làm”. Người ta thông cảm cho sự căm thù và những mưu kế của Trường Tô, sao chưa từng hiểu cho nỗi hận khắc trong tim Bàn Nhược? Người ta thương xót cho một công chúa Mã Phức Nhã mất nước mất nhà, lưu lạc quê người, tìm cách đòi lại hoàng vị bằng mọi giá, sao không hề cảm động trước sự nỗ lực từng ngày của Tần Bát Nhã? Người ta ca ngợi một Nhạc Phi của Huỳnh Hiểu Minh, tư tưởng kiên định, bất chấp tính mạng huyết chiến sa trường, lấy lại đất cũ, khôi phục non sông, sao chưa từng cúi đầu trước tâm nguyện chính đáng của cô gái Hoạt tộc?

Bàn Nhược, nàng không cho phép mình yếu đuối, gục ngã hay bất kỳ giây phút tâm lý lung lay nào. Ý chí của nàng kiên định như chém đinh chặt sắt. Nàng phải sống, dù cho có bán linh hồn cho quỷ dữ, dù cho có ở trong bóng tối bày ra mưu thâm kế độc, sẵn sàng hi sinh máu của người vô tội nàng cũng không chùn bước. Bởi vì, con đường nàng đi, con đường đối mặt với cái ác, đã định sẵn là phải đổ máu. Máu của bất kỳ ai đổ nàng cũng không thương xót nữa, kể cả là máu của nàng.

Nỗi đau của nàng so với Lâm Thù chỉ có hơn không có kém. Lâm Thù mất nhà, còn nàng mất nước. Nỗi nhục “tông miếu bị hủy, nước mất nhà tan”, sư phụ bị bắt làm nô lệ khiến nàng căm phẫn, thề sẽ tính mối thù này trên đầu hoàng tộc Đại Lương. Thế nhưng, tình cảm làm cho nàng mạnh mẽ nhất cũng là yếu điểm lớn nhất của nàng. Đó là vì nàng luôn canh cánh trong lòng hai chữ “Hoạt tộc”.

Khoảnh khắc ta hả hê và sung sướng nhất là khi tứ tỷ của Bàn Nhược và Đồng Lộ phải chết, chết đau đớn trong tay phe cánh của nàng. Số mệnh của kẻ phản bội, không thể thoát khỏi án tử. Nỗi nhục quê hương còn đó, sao có thể vui vẻ yêu đương, sao có thể phản bội, sao có thể vứt bỏ hồng trần mà sống đời thanh nhàn không lo nghĩ? Tần Tuyển Nương, khi cô xuống Âm phủ gặp sư phụ, cô nói gì? Khi cô đạp cho sư muội mình một ngón đòn đau đớn, khi cô thản nhiên giẫm đạp lên máu của đồng bào để đắm mình vào chốn an nhàn hoặc bể tình yêu, cô nghĩ gì? Có nghĩ đến sư phụ cô chết không nhắm mắt như thế nào, có nghĩ đến sư muội cô đang vắt kiệt sức lực của mình nuôi dưỡng Hồng tụ chiêu, có nghĩ đến những tỷ muội Hoạt tộc sẵn sàng bán mạng hiến dâng thanh xuân cho Tổ Quốc? Sư muội cô và biết bao tay sai ngầm khác ngày ngày khốn khổ cơ cực, không tiếc sự trong sáng, hai tay dính máu tươi. Cô đã từng nghĩ đến họ chưa? Có nghĩ đến sự hi sinh và trung thành của họ với vong quốc chưa? Chưa từng. Vì vậy, cái chết đó là bản án trừng phạt thích đáng, chẳng ai thương xót lấy nửa câu.

Hồng Tụ Chiêu tan rã, các tỷ muội người trung thành thì chết, người không trung thì bỏ trốn, Bàn Nhược đau thế nào, giận mình thế nào? Đôi mắt vằn máu bùng cháy ngọn lửa phẫn hận lúc nàng tra tấn Đồng Lộ dã man, đủ hiểu nàng thất vọng và sụp đổ biết bao nhiêu khi tâm huyết cả đời của sư phụ lại bị hủy trong tay mình.

Nàng nghe lời sư phụ phò tá Dự vương, trung thành một mực dù không biết lý do.

Và khi biết rồi, mắt Bàn Nhược – mắt cô gái tưởng chừng kiên cường đó – đã rơm rớm lệ. Giây phút nàng đau đớn và hạnh phúc quỳ sụp xuống gọi Dự vương là “Điện hạ của thần thiếp”, tự hào rằng huyết mạch hoàng tộc vẫn còn: “trong người điện hạ chảy dòng máu Hoạt tộc”, nàng vui biết bao, nàng hy vọng biết bao, nàng mừng rỡ khôn xiết và tủi nhục khốn cùng như thế nào, không mấy ai hiểu được.

Con trai của Linh Lung công chúa, hoàng tử của Hoạt tộc còn đó, cho nàng bùng lên ngọn lửa hi vọng mãnh liệt hơn. Trước nay ta đều rất khâm phục những nữ nhân như nàng.

Trong truyện, cái kết của Hoạt tộc là đi vào ngõ cụt, không ai sống sót. Nhưng phim đã nhân văn hơn ở chỗ cho Dự vương là hoàng tử của Hoạt tộc, và cuối phim là hình ảnh Dự vương phi trên xe ngựa rời đi, mang trong bụng đứa con của Dự vương – hậu duệ của vương thất Hoạt tộc. Đó là niềm hi vọng, tuy nhỏ bé mong manh, nhưng ít ra cũng vẫn là ánh sáng của tương lai phục quốc.

Khi biết Tiểu Tân muốn hại Tĩnh phi, ta rất ghét cô bé này. Nhưng khi cô ấy gặp tứ tỷ, được tứ tỷ khuyên không nên để tay mình dính máu, nên bảo toàn mạng sống, cô bé ấy quật cường nói: “Sư phụ dạy nữ nhi Hoạt tộc SỐNG vì phục quốc, CHẾT vì phục quốc”, ta đã một lần nữa cúi đầu trước khí tiết đó. Khi bị phát hiện, Tiểu Tân không cầu xin tha mạng, không cúi đầu van vỉ, chỉ ngẩng cao đầu với đôi mắt lạnh lẽo và nụ cười nhếch môi, tư thế kiêu hãnh: “Nương nương muốn xử lý ta như thế nào?”. Cô bé ấy không sợ chết, chỉ sợ chết bất trung. Một tiểu cô nương quật cường như vậy mới xứng đáng là con gái Hoạt tộc, mới là đồ đệ của Toàn Cơ, mới là sư muội của Bàn Nhược. Tứ tỷ nhìn rõ chưa, bao người con gái dũng cảm can trường, chỉ có mình cô nhát gan sợ chết, tư tưởng không rõ ràng, bất trung bất hiếu, bạc nghĩa vô ơn.

Hoạt tộc là tập hợp của những con người như thế, bất khuất hiên ngang, không tiếc bản thân báo đền nợ nước. Toàn Cơ, Linh Lung, Bàn Nhược, Tiểu Tân, và thậm chí là Dự vương, đều mang dòng máu Hoạt tộc quật cường như vậy. Cái kết của Bàn Nhược khiến ta đau, nhưng cũng khiến ta phục.

Kể cả là nguyên tác hay chuyển thể, Bàn Nhược đều chưa từng yêu ai. Dự vương không ít lần ngỏ lời muốn nạp nàng làm thiếp, nhưng nàng luôn khéo léo cự tuyệt y: “Bát Nhã sa chân phong trần, nhưng từng thề trước sư phụ, cả đời tuyệt không làm thiếp…”. Kiêu sa, khí phách lại ẩn một chút tâm cơ, nửa thanh cao nửa quyến rũ. Nàng có muốn thật lòng yêu một người không? Có chứ. Nhưng nàng không thể yêu. Bởi vì trong lòng nàng ngoài tình yêu nước không còn bất cứ tình cảm gì khác. Bởi vì toàn bộ thời gian và trí lực của nàng đều dồn vào hai chữ “báo thù”. Tôi còn nhớ khi tôi còn bé, tôi có xem một vở kịch trên TV về đề tài chiến tranh. Trong đó có đoạn một số cô gái bị nhốt trong hang đá không có lối ra, chỉ có thể đón chờ cái chết. Trong hoàn cảnh như thế, chị đội trưởng vẫn cố gắng gượng cười bảo những cô em gái của mình rằng: “Bao giờ độc lập, chúng mày sẽ có người yêu, có chồng, có con, sống một cuộc sống hạnh phúc”. Các cô gái cười rộ lên, nhưng trong mắt họ loang loáng nước. Toàn bộ khán giả dưới khán đài và trước màn ảnh lặng đi, không kìm được nước mắt. Ước mơ giản dị bình thường ấy, trong khói lửa lại là điều xa xỉ quá tầm. Chị ơi, bao giờ độc lập? Bao giờ nước nhà mới thoát cảnh nô lệ lầm than? Bao giờ những cô gái thanh xuân phơi phới mới được quyền tự do yêu, tự do kiếm tìm mái ấm? Các cô gái trong hang đá không đợi được ngày ấy, Bàn Nhược cũng không đợi được nữa rồi. Cuối cùng, bọn họ đều đã chết, chết khi nước nhà còn cơ cực trong ách nô lệ tối tăm, chết khi chưa nhìn thấy ánh sáng của tự do độc lập.

Tôi đã từng đọc một vài ý kiến nói rằng Bàn Nhược “ngu xuẩn và cố chấp”, vì Hoạt tộc đã nhập vào làm một với Đại Lương, làm gì còn hi vọng phục quốc? Người nói ra câu này, chắc chắn chưa từng biết đến “Thích khách liệt truyện”.

Dao Quang chỉ là tiểu quốc, bị Thiên Toàn xâm chiếm, cũng đã nhập vào Thiên Toàn, ta những tưởng người dân Dao Quang đã cam phận làm con dân “mẫu quốc”. Nhưng khi Mộ Dung Ly đứng trên tường thành ném cây đuốc xuống làm cháy rực lên hình vẽ vương ấn Dao Quang, hùng hồn tuyên bố: “Ta là hậu duệ của vương thất Dao Quang, Mộ Dung Ly, đời đời kiếp kiếp bảo vệ biên giới Dao Quang chúng ta. Đất nước bị xâm lược, thân nhân bị tàn sát, bách tính chịu khổ không dám kêu than. Hôm nay ta cầm vương ấn mà thề: phạm vào quốc thổ, đáng tội tru di”, người dân Dao Quang đã nhiệt liệt hưởng ứng, cùng nhau hợp sức phá thành trì giết giặc. Lúc ấy người xem mới hiểu ra rằng, chẳng có người dân  nào không có lòng tự tôn dân tộc, không có lòng yêu nước và khát khao được sống trong một đất nước tự do. Một Dao Quang nhỏ bé như thế, cũng đã thành một quận, một huyện của Thiên Toàn, lại vẫn có thể mạnh mẽ đứng lên giành lấy độc lập, dùng xương máu khôi phục sơn hà. Phân đoạn này làm ta rất xúc động, dẫu rằng nó chỉ là một mưu kế kích động nhân tâm. Dao Quang cũng ở trong hoàn cảnh như Hoạt tộc, nhưng vẫn có thể thành công phục quốc, vậy cớ gì lại nói Tần Bát Nhã hành động “ngu xuẩn” và “vô vọng”?

Đó là xét về hai đất nước, còn nếu nói riêng về hai nhân vật, Bàn Nhược, nàng còn bất hạnh hơn cả Mộ Dung Ly.

Đều là hồng nhan đa truân, đều là số phận bi thảm, đều là bị đẩy vào hoàn cảnh mất nước tuyệt vọng, đều là bị ép phải mưu mô xảo quyệt mới có thể sinh tồn và nuôi mộng phục thù.

Nhưng ít ra, A Ly đã từng yêu và được yêu, cho dù đau khổ không ít, nhưng tối thiểu đã từng hạnh phúc thật lòng.

Nhưng ít ra, A Ly đã thành công phục quốc, có thể kiêu hãnh đứng trước quốc dân đồng bào ngạo nghễ tuyên bố: “Khôi phục thanh danh vương tộc, từ nay không ai có thể bắt nạt con dân Dao Quang ta nữa”. A Ly, thắng.

Còn Bàn Nhược, nàng thua trong ván cờ thiên hạ.

Nàng đã hương tiêu ngọc vẫn, chôn thây nơi đất khách quê người.

“Tha hương không phải là cố quốc” (Cơ Anh – Họa quốc – Thập Tứ Khuyết).

Nàng muốn lắm chứ, nàng khát khao lắm chứ, nàng ước mơ thiết tha, cháy bỏng như thế nào được “chôn trong quan tài làm từ gỗ quê nhà”, được an nghỉ muôn đời tại cố hương… Nhưng KHÔNG THỂ!

Nàng cũng giống Tiểu Phong, không về Tây Lương được nữa…

Bởi vì…

Không còn cố quốc để mà về…

Bởi vì…

Đường về Hoạt tộc xa lắm, xa đến hư vô…

P/s: Trong bài phỏng vấn, Vương Âu vai Bàn Nhược có nói đuôi mắt dài kẻ đỏ của cô là dấu hiệu ngoại hình đặc trưng của người Hoạt tộc. Vậy sao chỉ mình cô có? Tứ tỷ, Tiểu Tân, Cung Vũ, thậm chí là Toàn Cơ công chúa cũng không có đuôi mắt đỏ?

____________________________

Nói về Vương Âu – diễn viên đóng vai Tần Bàn Nhược:

Vương Âu sinh ngày 28/10/1982 tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, cung hoàng đạo Thần Nông. Sinh ra trong một gia đình cha mẹ li hôn, từ nhỏ cô được gửi nuôi ở nhà các chú, các dì và ông bà nội. Chính vì thế, Vương Âu tự lập từ rất sớm: “Vương Âu theo học trường múa (múa dân tộc), ngoại trừ việc học, cô còn ra ngoài biểu diễn. Năm 15 tuổi, Vương Âu đã có thể kiếm tiền chi trả học phí cùng phí sinh hoạt, và trợ cấp cho mẹ. Sau này, nhờ cơ duyên, Vương Âu trở thành người mẫu. Quãng thời gian này cũng giúp cô tích lũy được nhiều kinh nghiệm trước khi chuyển sang làm diễn viên sau đó 4 năm”. (trích Wikipedia “Vương Âu”).

Cô ấy là một trong nữ diễn viên tôi thích nhất, và lần đầu biết đến cô là qua vai Tần Bàn Nhược. Như đã nói, đây là kiểu mẫu nhân vật mà tôi vô cùng yêu thích.

Vương Âu, bằng tài năng và nhan sắc của mình, đã khắc họa sống động và tinh tế một Tần Bàn Nhược “bước ra từ nguyên tác”, phù hợp hoàn hảo với tất cả tưởng tượng của tôi về nhân vật này.

Vương Âu đẹp. Đó là điều mà bất cứ fan hay antifan cũng không thể phủ nhận. Tôi đã từng đọc cmt của một bạn antifan rất khách quan, bạn ấy nói: “Dù rất ghét bà này nhưng công nhận bả đẹp thiệt”. Một nhan sắc xinh đẹp, sắc sảo, một gương mặt thanh tú nét nào ra nét đấy, một thân hình chuẩn mực, gợi cảm, phong thái chủ động, tự tin, điềm tĩnh. Đó là sắc đẹp của một người phụ nữ trưởng thành, đằm thắm, mặn mà, ngọt ngào, duyên dáng mà không thiếu phần hoạt bát, khéo léo, sắc bén, thông minh.

“Một nụ cười mỉm mà đầy rạng rỡ, ánh mắt biết nói hút hồn, đôi môi hé mở khơi gợi nhiều điều bí ẩn hấp dẫn cùng biểu cảm gương mặt đa dạng, biến báo” (Thắng PD – Guu Ngôi Sao).

Vương Âu cao 1m70 và nặng vỏn vẹn 47 kg, gầy gò mảnh khảnh, thắt đáy lưng ong, mình hạc xương mai, vóc ngọc mình ngà. Không thể phủ nhận, thời gian làm người mẫu đã tặng cho Vương Âu một vóc dáng, thần thái và khí chất mà không phải ai cũng có.

Với vẻ đẹp “nguy hiểm” và đôi mắt phượng dài thoáng nét ưu tư, Vương Âu phù hợp hoàn hảo với vai một cô gái mất nước lòng đầy thù hận. Vẻ đẹp của một bông hồng đỏ, kiêu sa, kiều diễm nhưng đầy gai nhọn dưới những cánh hoa mềm mịn xinh tươi.

Vương Âu quả thực rất hợp với sắc đỏ, tôn lên làn da trắng muốt như tuyết và nhan sắc thiên kiều bá mị, mê hoặc nhân tâm.

Về diễn xuất, dù mới nổi trong vòng 3 năm trở lại đây nhưng kinh nghiệm trong nghề của Vương Âu không ít. Cô đóng phim từ năm 2005, tức đã có 12 năm trong nghề.

“… Vương Âu, mặc dù xuất thân là người mẫu nhưng cô lại được đánh giá cao về diễn xuất khi chuyển sang đóng phim. Hai vai diễn được nhắc đến nhiều nhất của Vương Âu chính là Uông Mạn Xuân trong Kẻ ngụy trang và Tần Bàn Nhược trong Lang Nha Bảng. Hóa thân thành vai phản diện, Vương Âu được khen ngợi nhiều về khả năng” (Hoàng Linh – Trí thức trẻ).

Uông Mạn Xuân trong “Kẻ ngụy trang”

Với diễn xuất có hồn, Vương Âu đã khắc họa tuyệt vời mọi cung bậc cảm xúc của Bát Nhã, dù đây là một vai tương đối khó. Bất kỳ là lúc mưu tính, lúc khuyên can, lúc nhìn thấu sự tình, lúc đau khổ, lúc bất ngờ, lúc dằn vặt hay khi uất hận ngập tràn và tuyệt vọng tột độ, cô đều đã nhập tâm vào nhân vật và diễn xuất có chiều sâu. Không thiếu trường đoạn cô bùng nổ cảm xúc và khiến tôi bật khóc vì xót thương cho nhân vật, đồng cảm với một tấm lòng trung quân ái quốc.

Vương Âu rất hợp diễn những vai “nợ nước thù nhà”, “mỹ nữ nguy hiểm”. Thân phận cũng rất đặc sắc: từ tiểu thư “lá ngọc cành vàng” thất thế đến mưu sĩ, gián điệp (tình báo), ám vệ …  Tiêu biểu như Tần Bàn Nhược của “Lang nha bảng”, Uông Mạn Xuân trong “Kẻ ngụy trang”, Dạ Oanh trong tập 7 của “Toàn viên gia tốc” mùa 1, Triệu Tiểu Mãn trong “Tinh trung Nhạc Phi”, Phục Linh trong “Hoa Mộc Lan truyền kỳ”…

Dạ Oanh trong “Toàn viên gia tốc” mùa 1 tập 7
Triệu Tiểu Mãn – thiên kim tướng phủ thất thế, mang trong lòng nợ nước thù nhà trong “Tinh trung Nhạc Phi”
Phục Linh trong “Hoa Mộc Lan truyền kỳ”

Đến cả tham gia show thực tế, cô cũng phải chọn show cân não “Minh tinh đại trinh thám” – truy tìm hung thủ giết người.

Thám tử Âu trong “Minh tinh đại trinh thám” mùa 1
Vương Âu tham gia “Vương bài đối vương bài” cùng “Tĩnh phi” Lưu Mẫn Đào

Có lẽ sở hữu nhiều kinh nghiệm diễn vai phản diện hoặc nửa chính nửa tà, Vương Âu lột tả xuất thần một Tần Bát Nhã vừa đáng thương vừa đáng trách, tuy chưa bằng vai diễn đỉnh cao của cô là Uông Mạn Xuân trong “Kẻ ngụy trang”, nhưng vẫn là một vai ấn tượng hàng đầu trong sự nghiệp của mỹ nhân 34 tuổi.

Chẳng có gì lạ khi với tài năng được nhiều lời ngợi khen như thế, “Năm 2016, Vương Âu được đề cử giải “Nữ diễn viên phụ được hoan nghênh nhất” tại An Huy vệ thị Quốc kịch thịnh điển với vai diễn trong “Lang Gia Bảng”. 21/05/2016, với vai diễn trong phim điệp chiến “Kẻ ngụy trang”, Vương Âu giành được giải thưởng “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” lại Lễ trao giải Hoa đỉnh lần thứ 19 (Theo Wikipedia “Vương Âu”). Những giải thưởng ấy đã khẳng định được diễn xuất của người đẹp họ Vương tuyệt không phải bình hoa di động. Chẳng có gì là quá lời khi nói, Vương Âu “tài sắc vẹn toàn”.

Về tính cách, Vương Âu được đoàn phim “Mãng Hoang kỷ” nhận xét là một cô gái chăm chỉ, dịu dàng và hết sức ngọt ngào, mềm mại, khéo léo. Cô luôn mang đồ ăn vặt tới phim trường để mời mọi người lúc ngừng quay, khi đi ăn cũng đon đả gắp cho người này người khác hết sức chu đáo, tận tình. Thử hỏi có ai không yêu mến một cô gái như vậy?

Vương Âu khá đảm đang, sự quyến rũ đậm chất nữ tính của cô thể hiện ngay cả khi để mặt mộc nấu ăn trong bếp.

Âu công chúa nấu ăn trong show “Thiên thiên hướng thượng”

Nhưng đằng sau vẻ mong manh ngọt ngào ấy lại là một cô gái kiên cường. Đối diện với scandal vu oan giá họa (Trác Vỹ đã lên tiếng giải thích vụ này rồi) kéo theo rất nhiều antifan về mình: 

“… mỹ nhân “Lang Gia Bảng” lại tỏ ra vô cùng mạnh mẽ trước búa rìu dư luận. Trong bài phỏng vấn độc quyền với trang Sina, người đẹp vẫn hết sức tươi tỉnh, nhan sắc không suy suyển. Cô bình tĩnh trả lời mọi câu hỏi, khẳng định rành rọt lại rằng, giữa cô và Lưu Khải Uy chỉ là mối quan hệ đồng nghiệp bình thường. Sự kiện sau đó, Vương Âu cũng chẳng có vẻ gì là bị ảnh hưởng bởi những lời chỉ trích trên mạng xã hội. Cô vẫn diện áo đầm khoe lưng trần gợi cảm, đôi môi luôn mỉm cười, chào hỏi với phóng viên nhiệt tình.” (Nhã An – Kênh 14).

Cô vẫn xinh đẹp lung linh, chăm chút váy áo lộng lẫy dự các sự kiện, vui vẻ đối diện với phóng viên. Càng ngày càng nổi tiếng, cô nhận vô số lời mời chụp hình cho các trang bìa tạp chí, tham dự tuần lễ thời trang và nhận vai trong các dự án “bom tấn” được mong chờ. Quả là bản lĩnh!

Những phim Âu mỹ nhân đóng có sub full trên mạng rất ít, các bộ đó tôi đều đã xem rồi. Càng xem càng mê. Và không biết các khán giả khác có cảm nhận này không, hay là do tôi quá ấn tượng với các vai đã từng xem của Vương Âu, nhưng tôi cảm thấy cô gái ấy có một dung mạo đậm chất chính trị.

Đóng phim hiện đại có thể không rõ, nhưng phim cổ trang hoặc dân quốc là rõ ràng nhất. Đó là kiểu người của quốc gia đại sự, đứng sau ngai vàng đế vương, gắn liền vận mệnh riêng với vận mệnh chung của toàn thiên hạ. Bàn Nhược thì đã nói đủ nhiều rồi. Uông Mạn Xuân là trưởng ban cơ quan số 76 của Chính phủ Uông Ngụy, ai xem phim sẽ biết bả quan trọng trong chính phủ ra sao. Dạ Oanh là ám vệ được hoàng đế đào tạo, được giao nhiệm vụ tìm kiếm “Song Long chi thư” phục vụ cho mưu đồ thống nhất thiên hạ của đế vương. Triệu Tiểu Mãn thì vốn là thiên kim tướng phủ, sau khi cả nhà bị gian thần bán nước hại dân giết hại, may mắn sống sót, chấp nhận hi sinh bản thân để báo thù gian thần, tiếc là không thành và hi sinh bi thảm. Như vậy có thể nói, các vai diễn của Vương Âu đều mang trong lòng “lẽ sống lớn, tình cảm lớn”, bất kể là yêu nước hay phản quốc, đều đã nhúng tay vào việc tạo nên sóng gió chính trường, đóng vai trò không nhỏ xoay chuyển thời đại. Sắp tới còn có hai phim khác có Vương Âu tham gia là “Nhiệt huyết quốc cộng phó quốc nạn” – đề tài cộng sản cứu quốc và “Hoàng quyền dịch thiên hạ” vai nữ tướng Hoa Quỳnh – vừa nghe đã biết, lại là cuộc đấu hoàng quyền trên vũ đài chính trị rồi.

Vai diễn Hoa Quỳnh trong “Hoàng quyền dịch thiên hạ”

Dĩ nhiên, một người vừa có tài vừa có sắc, lại nhiều kinh nghiệm diễn vai “nợ nước thù nhà”, Vương Âu chính là lựa chọn không thể hoàn hảo hơn cho Tần Bàn Nhược, góp phần tạo nên thành công vang dội cho bom tấn “Lang gia bảng”, đồng thời vai diễn này cùng Uông Mạn Xuân đã lăng xê sự nghiệp của cô lên một tầm cao mới.

Vương Âu tham gia Paris Fashion Week 2017 Vivienne Wesst Wood

Cô ấy là một bông hồng có cả sắc lẫn hương, khiến người ta không ngừng say đắm! Tôi thích Tần Bàn Nhược bao nhiêu, tôi yêu Vương Âu y như vậy!

Cùng ngắm một số hình ảnh xinh đẹp của Wang Ou (tên tiếng Anh của Vương Âu):

Tác giả: Băng Ly

5 COMMENTS

  1. hiu hiu mị cũng mê Vương Âu lắm, xem Lang Gia Bảng đã thích thích rồi, xong xem Minh tinh đại trinh thám là đổ gục luôn =)))

    • Yep… Tui đổ bả chỉ sau một bộ phim… Bả đẹp xuất sắc quá! Đồng minh đây rồi. Nick fb của bạn là chi? Có thể kết bạn với tui không?

    • Chị nhà tui không quá nổi tiếng. Thậm chí không ít người biết đến chị ấy qua scandal và những thông tin phiến diện chứ không quan tâm tới tài năng và hành trình lao động nghệ thuật của chị ấy. Nên tui mới viết thêm vài dòng để quảng bá chị nhà cho mọi người hiểu hơn về sự nghiệp của chị ấy thôi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here