Thông tin cơ bản:
Nguyên tác: Từng đóa bọt sóng
Tác giả: Tửu Tiểu Thất
Độ dài: 90 chương – 37 tập
Thể loại: Hiện đại, thanh xuân vườn trường, giới thể thao, phóng viên, ngọt sủng, 3S, HE
Diễn viên: Hùng Tử Kỳ, Đàm Tùng Vận, Hoàng Thánh Trì, Vương Tử Tuyền, Bành Dục Sướng, Mã Quỳ, Bàng Hãn Thần, Tân Thụy Kỳ, Tào Hi Nguyệt, Trương Tuấn Ninh…
______________________________________________________
Ly kem dâu ngọt lịm ngày hè
Phim thanh xuân lúc nào cũng có chỗ đứng trong lòng khán giả và rất khó lỗi thời. Bởi nó gợi được sự đồng cảm trong lòng khán giả, đa phần mọi người ai cũng có một thanh xuân tươi mới, trẻ trung, rực rỡ sắc màu mà. Ai cũng từng có một thời tuổi trẻ nông nổi mà đầy nhiệt huyết, không phải sao?
Huống chi, “Từng đóa bọt sóng” thực sự là một bộ thanh xuân vườn trường rất ngọt mà không khán giả nữ nào có thể chối từ, như có người mời bạn một ly kem dâu mát lạnh vào giữa trưa hè ấy.
Nam nữ chính được xây dựng khá cân bằng, không phải kiểu phim “nam chủ” hoặc “nữ chủ” chiếm hết sóng hay kiểu “lọ lem – hoàng tử” chênh lệch giai cấp, thù hận dây dưa đời nọ đời kia. Không khí phim nhẹ nhàng, đảm bảo chuẩn tiêu chí 3S, không có tình tiết cẩu huyết, rắc rối, mưu mô, căng thẳng hoặc kiểu kết thúc dở hơi gây phẫn nộ cộng đồng.
Truyện đã đủ lãng mạn và ngọt ngào lắm rồi, phim còn đẩy nó lên mức “không tưởng”, tô hồng cuộc sống, xóa sạch toàn bộ chút ít màu sắc hiện thực mà Tửu Tiểu Thất “vất vả” cài cắm vào. Nhân vật phản diện trong truyện được phim “tẩy trắng” thành người tốt, Lâm Tang được xây dựng thành “cô gái năm ấy” ngây thơ hồn nhiên, vô tội đáng được cảm thông.
Vẫn giữ vững cái gốc của truyện là cuộc sống bình dị, đời thường, phim là cuộc “thả thính trường kỳ” giữa nam nữ chính. Ai đời phim 37 tập mà đến tận tập 28 hai bạn trẻ mới chính thức thành đôi! Đây cũng là điểm thách thức khán giả thiếu kiên nhẫn, thích “nhanh gọn lẹ”, “tình yêu siêu tốc”.
Phim không phải kiểu kịch tính, ngược tâm, ngược thân, đầy cao trào, giông tố, uẩn khúc, nhiều đau thương, bí ẩn, biến cố, âm mưu, toan tính nên dễ gây nhàm chán cho khán giả và khó thu hút những khán giả khó tính tò mò ngồi xem hết. Bí ẩn duy nhất của phim là nhân vật Lâm Tang xuất hiện đầu phim không lộ mặt, khiến khán giả thắc mắc: “Cô này là ai? Có quan hệ gì với các nhân vật khác?”. Ai muốn tìm câu trả lời thì sẽ xem tiếp, còn không đủ kiên trì thì đợi hết phim rồi mở tập cuối ra ngó cho biết thân phận của cô, nên cô này cũng không phải nhân tố thu hút sự chú ý cho lắm.
Nói về sự khác biệt giữa phim và truyện quả thật rất nhiều. Nếu mị không xem phim trước mà đọc truyện trước, có lẽ mị cũng sẽ mang danh “nguyên tác đảng” để chê phim (như các phim chuyển thể khác). Chuyển thể thường bóp méo, thậm chí bóp nát nguyên tác đến mức “mẹ đẻ không nhận ra con”. Không đến nỗi bóp méo nguyên tác, “Từng đóa bọt sóng” vẫn giữ lại khoảng gần 60% nguyên tác, thay đổi thể hiện ở việc phim đã trẻ trung hóa truyện, các nhân vật đều bớt đi vài phần trưởng thành, nghiêm túc, trở nên “ngây thơ, hiền lành, trong sáng, tươi trẻ” hơn. Đây cũng là một lý do một bộ phận khán giả là fan nguyên tác không yêu thích bộ phim.
Phim gợi nhiều liên tưởng tới truyện ngôn tình của Cố Mạn, nổi danh nhẹ nhàng lãng mạn không có sóng gió. Có ý kiến cho rằng phim “mang màu sắc phim thần tượng Đài Loan, quá lỗi thời”. Rất tiếc, mị là thanh niên thế hệ mới, mị không có tuổi thơ gắn với phim thần tượng Đài Loan nên mị cảm thấy “Từng đóa bọt sóng” không quen thuộc, không nhàm chán. Anh chị của mị khi đánh giá “Sam Sam đến rồi” cũng nói nó y hệt “phim Đài Loan thập kỷ trước”, vậy nên có lẽ khác biệt thế hệ thì cảm nhận sẽ khác nhau.
Bắt đầu duyên phận của mỹ nam bơi lội và em gái trứng trà
Câu chuyện phim bắt đầu bằng một ngày đẹp trời nọ, cô phóng viên thực tập Vân Đóa của mạng Tinh Không đi phỏng vấn lần đầu, bị cuốn hút bởi vẻ đẹp trai của Đường Nhất Bạch. Và không may, cô rơi xuống hồ bơi, được anh Bạch cứu, sau đó tình cảm đôi bên bắt đầu. Đấy, ngay từ tập 1 đã khác biệt nguyên tác. Vân Đóa của nguyên tác làm việc ở báo “Sports Weekly”. Cô không rơi xuống nước, chỉ là lần đầu đi phỏng vấn có chút chậm chạp, không thể chen chân phỏng vấn Kỳ Duệ Phong nên chọn đại một vận động viên đẹp trai nhất để phỏng vấn. Và người cô chọn, chính là Đường Nhất Bạch. Để xoa dịu sự lo lắng và lúng túng của cô, Đường Nhất Bạch tặng cô kính bơi, cô tặng lại anh túi trứng trà.
Phim đề cao yếu tố “anh hùng cứu mỹ nhân”, còn truyện đề cao châm ngôn “Nam nhi sự nghiệp làm đầu”. Lần đầu gặp gỡ, Đường Nhất Bạch được huy chương vàng trong trận đấu cấp quốc gia, gây ấn tượng với Vân Đóa về tài năng và vẻ đẹp trai của mình chứ không phải do cứu cô mà gây ấn tượng tốt.
Kẻ sinh ra đã thuộc về nước – Đường Nhất Bạch
“Cô hỏi ước mơ của tôi là gì? Ước mơ của tôi là trở thành người đàn ông bơi nhanh nhất thế giới”.
“Nước là bạn của anh, cũng là kẻ thù của anh. Là bạn chơi với anh, cũng là thầy của anh. Nước, là thiên hạ của anh. Cho dù em có rơi xuống biển, anh cũng sẽ vớt được em lên. Trong thiên hạ của anh, sẽ không có bất kỳ ai có thể thương tổn em. Bởi vì, anh chính là vua trong nước”.
Nếu hỏi tôi ấn tượng điểm gì nhất về Đường Nhất Bạch nguyên tác, tôi sẽ trả lời là sự tự tin đầy kiêu hãnh của anh. Một kẻ dám ước mơ đạt đến đỉnh cao “người đàn ông bơi nhanh nhất thế giới”, một kẻ dám ngạo nghễ khẳng định “anh là VUA trong nước”, sẽ là một kẻ có ý chí và nghị lực khủng khiếp đến mức nào, sẽ là một kẻ tin tưởng bản thân đến thế nào?
Đường Nhất Bạch là kẻ có thiên phú, và là một thiên tài trầm lặng. Anh trầm ổn, nhẹ nhàng, thuần khiết, ánh mắt sạch sẽ trong vắt “như tuyết khẽ rơi vào hồ nước không lưu lại chút dấu vết nào”. Đó mới chính là phong thái tĩnh lặng vì được rèn giũa qua tổn thương của một người từ đỉnh cao rơi xuống đáy vực, sự khiêm tốn ẩn giấu thực lực của một tài năng xuất chúng. Đường Nhất Bạch trong phim hơi tươi trẻ, sôi nổi, hoạt bát và vui vẻ quá, có vẻ chẳng bị ảnh hưởng gì bởi cú sốc tâm lý 4 năm cả.
Đường Nhất Bạch quả thực được miêu tả là sở hữu nụ cười tỏa nắng rất đẹp, nhưng trước khi gặp Vân Đóa, nụ cười ấy vẫn cho người ta cảm giác ẩn giấu nhiều tâm sự: “ánh mắt anh có nhàn nhạt cô đơn không cách nào che giấu được”, “…cúi đầu cười yếu ớt dưới ánh sáng nhu hòa lại càng ôn hòa khiêm tốn”. Khi gặp được Vân Đóa, nụ cười rất dịu dàng, thể hiện sự nuông chiều, yêu thương bạn gái: “Đường Nhất Bạch đang cười, đuôi mắt xếch lên, khóe môi cong cong, nụ cười tươi dễ nhìn khiến người khác ghen ghét, dưới ánh mặt trời càng thêm vài phần kinh diễm”.
Người ta khen tố chất tâm lý của Kỳ Duệ Phong vững như bàn thạch, càng được cổ vũ nhiệt tình lại càng phát huy thực lực. Tương tự, tố chất tâm lý của Đường Nhất Bạch cũng không hề yếu đuối chút nào. Giữa vô vàn những lời chỉ trích, tra hỏi của phóng viên, “…anh nhếch miệng, khẽ cười. Nụ cười lặng lẽ, thản nhiên giữa không khí khẩn trương căng thẳng, giống như hoa sen sinh trưởng trong bùn lầy, sạch sẽ mà thong dong”. Bình tĩnh như vậy, cao ngạo như thế, khí độ thản nhiên như thế, phong thái ung dung như vậy, nếu không phải có tâm lý ổn định và tự tin tuyệt đối vào bản thân, sao có thể làm được?
Nhất Bạch quả thực là kẻ sinh ra để trở về với môi trường sống nguyên thủy khởi phát của mọi loài sinh vật – nước, anh yêu bơi lội như sinh mạng của mình. Nhất Bạch điên cuồng vì sự nghiệp, đam mê cháy bỏng, luôn kiên trì động viên bản thân mạnh mẽ vươn lên.
Nhất Bạch nguyên tác ngông cuồng hơn hình ảnh một cậu trai khiêm tốn và “đáng thương” trong phim nhiều. Cái ngông cuồng ấy dựa vào nghị lực, niềm tin, sự chăm chỉ tập luyện và thực lực hơn người. Nhất Bạch ngày xưa là một thiếu niên vô cùng rực rỡ, tương lai sáng sủa đầy hi vọng: “Tin tức này được đưa ba năm trước, nội dung là huy chương vàng giải bơi hỗn hợp 4×100 mét mà Trung Quốc đạt được tại Asian Games, các vận động viên giành giải thưởng là: Triệu Việt, Tống Nhạc, Đường Nhất Bạch, Kỳ Duệ Phong”. Thì ra ba năm trước anh đã được huy chương vàng, hơn nữa là huy chương vàng của Asian Game, còn cao hơn trận đấu hôm qua”.
Trong bốn năm khi bị cấm thi đấu, Nhất Bạch đã chuyển từ bơi bướm sang bơi tự do. Từ “một vận động viên thành thục có tiền đồ”, từng sở hữu thành tích chói ngời về bơi bướm, anh chuyển sang bơi tự do, bởi một lý do (nghe có vẻ) rất tùy hứng:
“Vì sao lại lựa chọn bơi tự do?”
Anh bình thản ung dung, “Bởi vì tự do.”
Từ bỏ sở trường, thay đổi kiểu bơi chỉ để tìm cảm giác tự do trong nước, và tự tin rằng mình sẽ làm được, và làm tốt. Cao ngạo, cũng chỉ đến vậy mà thôi.
Khi mới chân ướt chân ráo trở lại làng bơi sau 4 năm, là một vận động viên không tên tuổi, Nhất Bạch đã dám khiêu chiến Al Psi, sau đó là Sanger – những vận động viên sở hữu thành tích cao nhất thế giới. Và cuối cùng, anh đã thực sự vượt qua họ.
Nhất Bạch nguyên tác có sự nghiệp oai hùng và chói sáng hơn phim nhiều. Anh thường xuyên được tham gia tập huấn và thi đấu các sàn đấu lớn ở nước ngoài, đấu với những vận động viên quốc tế. Trận đấu cuối cùng của truyện, anh đã bất chấp đau đớn nín thở để đẩy nhanh tốc độ chạm đích, vượt qua Sanger, hào hùng tuyên bố đã hoàn thành ước mơ “trở thành người đàn ông bơi nhanh nhất thế giới” của mình. Sau đó anh lên bờ và hôn Vân Đóa trước đông đảo phóng viên và khán giả, như muốn tuyên bố với cả thế giới rằng “Cô ấy là người con gái của tôi”. Cũng như tuyên bố “Anh là vua trong nước, nước là thiên hạ của anh”, đó là sự khẳng định chủ quyền đầy kiêu hãnh, là hào quang thực sự của thần tượng quốc dân Đường Nhất Bạch. Vị trí chân chính của anh, phải là đỉnh cao tột cùng. Cả sự nghiệp lẫn tình yêu, anh đều phải công khai nói với cả thế giới rằng mình có hết.
Hình ảnh vinh quang tỏa sáng như mặt trời ấy của Đường Nhất Bạch đã bị phim triệt để xóa sạch không dấu vết. Thần tượng quốc dân, thiên tài bơi lội, niềm tự hào của Trung Quốc bị biến thành một thanh niên chăm chỉ nhưng chưa quá nổi bật, chưa đạt đến tầm cao tuyệt đối, mới vô địch cúp Dream – một giải đấu mà huấn luyện viên Phí Dự nhận xét là “chỉ có giá trị trong nước, không đủ tầm thực lực của em”, rồi cuối cùng được chọn vào đội huấn luyện tinh anh Châu Á. Hết. Bơi nhanh nhất thế giới? Vinh quang trở về Tổ Quốc? Có fanclub hùng hậu? Danh tiếng không ai sánh nổi? Cầu hôn người yêu thành công? Toàn bộ những ánh sáng tươi đẹp nhất về anh Bạch đều bị biên kịch lược bỏ, khiến anh Bạch trong phim không để lại quá nhiều dấu ấn trong lòng người xem trừ vẻ đẹp trai sáng láng.
À lại nói về đẹp trai. Dylan quả là mỹ nam, da trắng như tuyết, cơ bắp rắn chắc, khuôn mặt tinh xảo. Ngay từ khi anh kín từ đầu đến chân trong tạo hình cổ trang và mị rất ghét vai của anh trong “Thích khách liệt truyện” thì vẫn phải công nhận là ảnh đẹp. Về cơ bắp thì có vẻ như anh Hùng không được cường tráng cuồn cuộn bằng Hoàng Thánh Trì (vai Kỳ Duệ Phong) và Bàng Hãn Thần (Âu Dương Hằng) nhưng cũng được tính vào hàng cực phẩm “cơ bắp xinh đẹp, cân xứng hoàn mỹ”. Dĩ nhiên là một thân hình “như tượng điêu khắc” dưới ngòi bút tác giả thì rất là không tưởng rồi.
Vai Đường Nhất Bạch của Dylan, khi xem phim mị nghĩ nó đối lập hoàn toàn so với Trọng Khôn Nghĩa của “Thích khách liệt truyện”, nhưng khi đọc truyện, mị cảm thấy hai nhân vật này có điểm tương đồng: đều là thiên tài ẩn dật chờ ngày xuất thế và đều mơ ước đạt đến đỉnh cao nhất của thế giới.
Nói chung thì Dylan diễn xuất tốt, ngoại hình đẹp, hoàn thành tròn vai diễn, chỉ đáng tiếc không phải là Đường Nhất Bạch của nguyên tác thôi. Cái này cũng không trách anh được!!!
Đóa mây trắng tinh khiết – Vân Đóa
Trong số các nữ diễn viên trẻ hiện nay mà mị biết, quả thực rất khó tìm ra một người có ngoại hình chuẩn Vân Đóa như Đàm Tùng Vận:
“… lớn lên rất đẹp. Khuôn mặt trứng vịt khéo léo, lông mi vừa mịn vừa cong,… đôi mắt hạnh tiêu chuẩn”.
Khuôn mặt theo miêu tả khá hiền lành trong sáng, toát lên nét bầu bĩnh trẻ thơ, nhưng lại cho người ta cảm giác tinh xảo và khéo léo, như tính cách của cô vậy.
Vân Đóa bị biên kịch phim biến thành tiểu bạch thỏ ngây thơ không hiểu sự đời. Trong truyện quả là Tiểu Vân rất hiền, rất thiện lương, nhưng không đến mức thỏ trắng ngơ ngác như phim. Dẫu sao thì hình ảnh một cô gái trưởng thành, một phóng viên chính thức ở một tờ báo danh tiếng trong truyện cũng khác hẳn hình tượng một cô sinh viên thực tập đang vất vả phấn đấu được tuyển chính thức của phim.
May là điểm thú vị nhất ở Vân Đóa đã được giữ lại. Đó là cô sống rất có nguyên tắc, luôn hết lòng vì những người mình yêu thương. Vân Đóa khá thông minh và khéo léo. Cô không nhút nhát đến mức chỉ có Trình Mỹ là bạn như trong phim, mà còn có cả Trần Tư Kỳ – phóng viên giải trí, bạn từ đại học. Cô ngay từ đầu đã ý thức được Lâm Tử toát ra khí phách của “người có tiền”, “thiên tài không thể chạm”. Cô không hoàn toàn tin tưởng Lâm Tử vì cảm thấy người này có quá nhiều bí ẩn. Cô rất tinh tế đoán biết cảm xúc của người khác. Khi Lâm Tử nói sẽ đưa cô đi thăm em gái, ngay lập tức cô nghĩ Lâm Tử sẽ đưa cô đi nghĩa trang vì “mỗi lần nhắc đến em gái, gương mặt anh ta đều rất buồn”. Cô vì bảo vệ Nhất Bạch mà lớn tiếng tranh cãi cả với phóng viên lão làng của tờ báo danh tiếng. Khi cô thấy thầy Tiền giận mình vì “dám cướp phỏng vấn Đường Nhất Bạch: thì nghe Lâm Tử khuyên, cô ngọt nhạt mời cơm mời rượu, làm lành với ông. Bố mẹ Vân Đóa nhờ cậy quan hệ bạn bè mà xin biên chế cho cô, cô nổi giận và uất ức. Cô không bao giờ lợi dụng quan hệ với Nhất Bạch để nâng cao vị thế sự nghiệp của mình. Một phóng viên mẫu mực, sống lương thiện và giữ vững nguyên tắc làm người, khiến ngay cả Lưu tổng cũng “giữ cô lại vì cô có những phẩm chất của phóng viên chân chính mà ngày càng nhiều người đang hành nghề mất đi”.
Điều này khá lý tưởng hóa nhân vật, khác hẳn với hình tượng phóng viên Tiểu Tuyền lắm chiêu, có châm ngôn hành nghề là “Làm nhà báo, chỉ có vô tình vô nghĩa mới có thể thành công” trong “Dư vị trà chiều” của Minh Hiểu Khê.
Trong truyện là thầy Tôn nhận ra khả năng tỏa sáng của Nhất Bạch trước, chủ động đưa trận đấu của anh Bạch làm đầu đề báo, dự báo rằng anh sẽ thành ngôi sao sáng rực rỡ của đội tuyển bơi tương lai. Đây chính là con mắt của người chuyên nghiệp. Còn trong phim là do Vân Đóa chủ động đề xuất nên viết về Nhất Bạch, thầy Tôn còn phản đối vì Nhất Bạch không tên tuổi. Một người lõi đời như thầy Tôn, sao có thể không nhìn xa trông rộng bằng Vân Đóa được? Cái này phim hơi gượng ép.
Vân Đóa trong phim từ tập đầu đến tập cuối vẫn là hình tượng một cô gái thanh xuân tươi trẻ nhiệt tình, còn Vân Đóa của những chương cuối nguyên tác đã trở thành hình tượng một người vợ hiền tận tâm chu đáo. Cô tỉ mỉ và cẩn thận lo lắng việc ăn uống của Đường Nhất Bạch, nhờ vậy mà anh tránh được không ít tai ương.
Đáng tiếc là phim không có đoạn cầu hôn kinh thiên động địa của Đường Nhất Bạch với Vân Đóa. Khán giả cũng không được chứng kiến khối “Dương chi bạch ngọc” long phượng độc nhất vô nhị, vừa lãng mạn vừa có giá trị kinh tế của “cao thủ tình ái” Đường Nhất Bạch.
Vân Đóa không khác nhiều với các vai trước của Đàm Tùng Vận. Vẫn là kiểu vai hiền lành, hồn nhiên, trong sáng đúng chất “nữ thần thanh xuân thế hệ mới”. Ngoài chút ít sự thay đổi mới mẻ với hình tượng sắc sảo của Karen Li trong “Mùa hè của hồ ly” ra thì mị vẫn không nhận ra bất kỳ sự phá cách nào so với các vai trước đây của Vận tỷ cả.
Nhìn chung thì Vân Đóa vẫn là một cô gái đáng yêu, chu đáo, dịu dàng, hiểu chuyện, chung thủy trong tình yêu và có sự nghiệp ổn định. Nếu mị là con trai, mị có thể sẽ cưới một cô như vậy làm vợ.
Hệ thống các nhân vật phụ đáng yêu và có màu sắc riêng
- Kỳ Duệ Phong:
Kỳ Duệ Phong khá thú vị. Một thiên tài độc đáo, khác biệt và hài hước: “Cảm giác suy nghĩ của vị tiên sinh thiên tài này giống như ngựa hoang thoát cương, người bình thường hoàn toàn không đuổi kịp bước chạy của nó”. Mới lần đầu gặp, anh đã tặng chị Đóa biệt danh “em gái trứng luộc nước trà”.
Hoàng Thánh Trì hơi thấp một chút so với miêu tả về một Kỳ Duệ Phong 1,98 m, chiều cao ấy tạo nên một khí thế vương giả bức người. Trong phim còn thấp hơn cả Nhất Bạch, chẳng thấy chút uy phong nào của thiên tài bơi lội làm rạng danh Trung Quốc, vực dậy cả một lĩnh vực thể thao cả.
Anh có một biệt danh vô cùng đáng yêu: QQ. Khác hẳn với vẻ bề ngoài rực rỡ chói sáng và thành tích quán quân Olympic, Kỳ Duệ Phong thực ra là một người có tính cách rất trẻ con, “một đứa bé ầm ĩ”.
Trong phim anh có mối tình gà bông ô mai chó mèo với Hướng Dương Dương – đội trưởng đội bơi nữ. Mối tình này khá là trẻ con, dễ thương, thú vị.
Phim không xuất hiện chứ “đảng Bạch Duệ” trong truyện hùng hậu lắm, đến Vân Đóa còn cảm thấy “tình yêu khác giới như mình mới là số ít”, đến Kỳ Duệ Phong còn có lúc lánh mặt Nhất Bạch để phủ nhận tin đồn mình là gay. Dương Dương có lúc còn giận dỗi ghen tuông kiểu: “Tôi nói nhiều như vậy cậu không nghe, đến khi Nhất Bạch nói vài câu cậu đã nghe cậu ta rồi”. Buồn cười nhất là đoạn Vân Đóa và Dương Dương cùng tặng vòng tay tết cho anh Bạch và anh Phong, kết quả là hủ nữ đi khắp nơi kêu gào hạnh phúc vì hai anh đeo vòng tay tình nhân (!).
Với con mắt hủ nữ như mị thì “đảng Bạch Duệ” khá là thú vị!
- Lâm Tử:
Lâm Tử được phim xây dựng là một nhân vật “xứng đáng để các chị em lấy làm chồng”. Ngoại hình, sự nghiệp, nhân cách đều có cả. Nên một người hoàn hảo như Trình Mỹ mới mê mệt anh. Và cuối cùng phim ghép hai người này thành một đôi, quả là tuyệt phối.
Lâm Tử là thiên tài cổ phiếu, bàn tay vàng của giới tài chính. Anh có tài ăn nói và thuyết phục người khác cực đỉnh. Tiếc thay anh lại là nhân vật phản diện. Vì thương em gái một cách mù quáng đâm ra thù hận Đường Nhất Bạch, từng hãm hại Nhất Bạch rất nhiều lần. Không dưới hai lần bỏ thuốc kích thích vào nước uống của Nhất Bạch để hủy hoại sự nghiệp của anh (may mà Nhất Bạch không uống phải), thuê người đánh gãy tay Nhất Bạch trước trận đấu quan trọng… Được xếp vào hàng “tội phạm có IQ cao”, cuối cùng nhờ Vân Đóa mắng cho một trận mà đã tỉnh táo đi đầu thú và ngồi tù. James Lâm trong phim đã được “tẩy trắng” tội ác, biến thành một người anh yêu thương em nhưng vẫn lý trí, yêu thương Vân Đóa thật lòng, tính cách quân tử.
Đây là hình ảnh một nam phụ hoàn hảo mà các chị em hay chết mê chết mệt nè.
- Lâm Tang
Mị ghét nhân vật này. Ghét từ vai Triệu Khinh Vân trong “Song thế sủng phi”. Lần này lại vẫn là kiểu bánh bèo mong manh yếu đuối, gây ức chế cho người khác. Trong truyện, Lâm Tang nhiều tuổi hơn Nhất Bạch, là bác sĩ trong đội, trong phim là bạn thân của hội Âu Dương, anh Phong và anh Bạch, làm hậu cần ở đội bơi cấp 3. Cô ta quá lụy tình, yếu đuối, tính cách tiểu thư, lại tự yêu bản thân một cách quá đáng. Chính vì những hành động cảm tính và ích kỷ của cô ta mà gây ra bao nhiêu thống khổ cho mọi người, khiến Lâm Tử khổ sở đau lòng, khiến Âu Dương Hằng mỏi mòn chờ đợi, khiến huynh đệ trở mặt, khiến Nhất Bạch mặc cảm tội lỗi, bị gãy chân, sự nghiệp đóng băng 4 năm trời, v..v…
Lâm Tang trong phim quá hiền lành, không nỡ để Nhất Bạch uống nước có “thứ không nên cho vào”. Lâm Tang của truyện là thực sự bỏ thuốc vào vì sợ Nhất Bạch tham gia đội huấn luyện tinh anh châu Á sẽ bỏ rơi mình. Khi Nhất Bạch cứu cô mà gãy chân, cô lại tỏ tình với Nhất Bạch. Tỏ tình thất bại thì tự sát, mới thành người thực vật. Nào có đáng thương, đáng được cảm thông như phim. Nên suốt 90 chương truyện phải trả giá, không có bất kỳ hi vọng nào tỉnh lại cả.
- Bà Lộ
Bà Lộ trong truyện thông minh, trầm tĩnh và ra dáng phụ nữ trưởng thành hơn. Đưa ra lời khuyên chí lí chí tình lúc Vân Đóa đột nhiên gặp phải “quy tắc ngầm” đi ngược với nguyên tắc sống của cô.
Bà cũng khá là nghiêm khắc, khi hiểu lầm Nhất Bạch và Vân Đóa có hành vi quá giới hạn thì nổi giận quát mắng, không phải vui cười tác hợp như phim.
“Bà Lộ cũng không đến gần, lo lắng bản thân thấy một màn bất nhã, bà chỉ là cười lạnh, “Hai người không cần thể diện hả? Muốn làm cái gì thì về phòng mà làm!” Nói xong lạnh lùng liếc mắt nhìn Vân Đóa, nghĩ thầm bà nhìn nhầm cô gái này rồi, mới quen biết với thằng nhóc khốn khiếp kia bao lâu chứ? Cứ như vậy vào tay rồi hả?”.
Bà rất hiểu con trai mình, như Gia Cát tái thế, vừa nhìn phản ứng trên mặt con trai là đã hiểu ra có chuyện gì. Bà tuy lạnh lùng, chẳng bao giờ đến xem con thi đấu nhưng thực ra rất yêu thương con trai, một người cả đời chưa cầu xin ai bao giờ sẵn sàng hạ mình để nhờ thợ làm khối bạch ngọc cho con trai đi cầu hôn. Tấm lòng người mẹ lúc nào cũng bao dung như vậy. Bà Lộ trong phim xì tin, trẻ trung, nhí nhảnh và dễ tính hơn, yêu chiều Vân Đóa như con gái ruột, hết lòng ủng hộ Bạch Đóa đến với nhau.
- Trịnh Lăng Diệp
Trịnh Lăng Diệp bất kể là phiên bản nào thì đều trầm tĩnh, ít nói, “tiếc chữ như vàng”, đứng đắn nghiêm túc. Nhưng trong truyện anh tài năng thực sự, không bất tài vô dụng kéo lùi cả đội như phim.
Kết quả tranh tài, Đường Nhất Bạch phát huy trình độ như thường, nhưng mà cuối cùng, người đoạt chức vô địch lại là Trịnh Lăng Diệp. Ngay cả Đường Nhất Bạch cũng hơi ngoài ý muốn. Không phải nói anh tự khen mình mà Trịnh Lăng Diệp này, thành tích vẫn vô cùng ổn định, mặc kệ là trận đấu nhỏ hay thi đấu lớn thì thành tích của anh ta xê xích cũng chỉ rất nhỏ. Vậy mà bây giờ, Trịnh Lăng Diệp phát huy tài năng tốt hơn lúc trước rất nhiều, thành tích tốt hơn 0,2 giây. Đó cũng không phải tốt hơn gì lắm, nhưng đặt mấy chữ này trên người Trịnh Lăng Diệp sẽ làm người ta cảm thấy thật không dễ gì.
Dưới lăng kính hủ nữ, mị thấy Lăng Diệp là một tổng công trầm ổn, còn Minh Thiên trẻ trâu thích ngậm kẹo mút là hiếu động thụ, quả thật xứng đôi vừa lứa.
- Một vài nhân vật và một số tình tiết được xây dựng khác nguyên tác
-Hướng Dương Dương trong nguyên tác được xây dựng mờ nhạt, giữa Dương Dương và Kỳ Duệ Phong không hề có mối quan hệ tình cảm trên mức tình chị em, tình đồng đội. Trong phim Vương Tử Tuyền đóng vai một cô gái bình thường, không xinh đẹp nên tạo hình hơi bị dìm một tí. Nếu bạn đã quen với hình ảnh này:
… thì sẽ bị sốc khi biết cô gái ấy là Hoa khôi học viện điện ảnh Bắc Kinh, từng lọt top 10 nữ sinh đẹp nhất Trung Quốc. Một nhan sắc lộng lẫy nhường này…
– Ngũ Dũng trong truyện không hề phản đối, thậm chí còn ủng hộ Nhất Bạch và Vân Đóa đến với nhau.
“ Ngũ tổng quản không muốn thấy Đường Nhất Bạch trở thành biến thái. Cho nên nhìn thấy rốt cuộc Đường Nhất Bạch đồng ý mập mờ với cô gái nhỏ, ông ấy đặc biệt đặc biệt vui mừng”.
– Vân Đóa được cứu khi 7 tuổi, không phải là một cô gái trưởng thành. Vân Đóa biết Nhất Bạch cứu cô khi đang xem TV phỏng vấn, Lâm Tử cũng không mặt dày nói dối mình là người cứu.
– Truyện không xuất hiện các nhân vật: Âu Dương Hằng, Đinh Lượng Kiếm, Lâm Hạo Dương, Trương Lương, v…v… Xuất hiện khá nhiều vận động viên Âu Mỹ, phim đổi hết thành người Trung Quốc.
– Nhất Bạch trong truyện biết Lâm Tang thành người thực vật từ 4 năm trước, nhưng lại không biết Lâm Tử, ngược với phim.
– Trình Mỹ khá tốt đẹp, không phản bội hay hãm hại Vân Đóa, chỉ là nói xấu cô khi hiểu nhầm cô cướp mất phần biên chế của mình. Không thân thiết gì với Vân Đóa cả. Phim ghép hai nhân vật Trần Tư Kỳ và Trình Mỹ vào làm một, xây dựng một mối quan hệ bạn thân vì giai mà trở mặt rồi “gương vỡ lại lành” đầy cẩu huyết.
Đánh giá tổng quát:
Phim vừa ngọt ngào, nhẹ nhàng, hài hước, vui vẻ lại vừa sục sôi nhiệt huyết thanh xuân, ca ngợi sự kiên trì theo đuổi đam mê và vươn tới ước mơ của những thanh niên trẻ tuổi.
Nếu bạn thích phim nhẹ nhàng/phim thể thao, thích ngắm trai xinh gái đẹp, thích đổi gió sau các bộ phim căng thẳng, thì “Từng đóa bọt sóng” là một lựa chọn khá ổn. Một mùa hè rực nắng nằm nhà cày một bộ phim tràn ngập sắc xanh sóng nước và sắc đỏ đam mê, rất tuyệt, phải không nào?