*Bài này thiên về cảm xúc cá nhân và có chứa yếu tố so sánh, ném đá các truyện khác. Thỉnh cân nhắc trước khi đọc
Đọc truyện dài của Cửu Lộ Phi Hương, không cảm được, nhưng truyện ngắn thì thấm, rất thấm. Cửu viết nhiều đoản thì khỏi phải bàn rồi, viết nhiều như vậy mà hầu như truyện nào cũng ổn, quả là bút lực dẻo dai đấy. Ưng nhất, phải kể đến Khuynh Thế với Tang Ca.
Hai truyện này đều có điểm chung là nữ chính chết rất thảm, và nam chính thì không hoàn mỹ. Nhưng không phải chính vì thế mới có điều kiện cho nữ chính tỏa sáng, rất đỗi rực rỡ, rất đỗi huy hoàng sao? Nếu Vân Thịnh không mặc cảm mà thiếu đi vài phần ngông cuồng dũng khí, thì làm sao Khuynh Thế đi đến nước dẹp tình riêng vì xã tắc? Nếu An Tử Vụ không do dự, không sắt đá không coi trọng đại cục, thì làm sao Tang Ca đi đến bước đường đồng quy vu tận với bạo quân?
Rõ ràng nam chính rất nặng tình, nhưng một quyết định sai lầm, cả đời đã định vong tình vĩnh viễn.
Cả cuộc đời về sau của Vân Thịnh, sống chỉ để bảo vệ quốc gia của Khuynh Thế, vương tộc của Khuynh Thế, cũng không kịp nữa rồi. Khuynh thế không phải là cổ tích, Khuynh Thế không thể và cũng sẽ không lựa chọn mưu cầu hạnh phúc cá nhân, Khuynh Thế phải đi hòa thân, phải bị loạn tiên đánh chết… Có lẽ đó mới là lịch sử, cuộc đời Khuynh Thế không phải màu hồng, mà là màu đỏ. Màu đỏ của giá y đã giết chết Khuynh Thế trong tâm tưởng, và màu đỏ của máu, đã không cho Khuynh Thế cơ hội được sống nữa, dù là sống vật vờ như một cái xác đau đáu hướng về Tề quốc, đều không thể nữa..
Tang Ca Tang Ca, nàng chẳng phải cái gì mà nữ trung hào kiệt, rồi thì gia cát trong giới nữ lưu mà mấy cô bánh bèo thường hay được khen như thế, nàng chỉ là một ca cơ, là dây tơ bên Giang Nam Trường Dạ Hầu… Cả đời nàng chỉ làm được một việc lớn, nhưng việc lớn ấy đủ khiến người ta tưởng nhớ cả đời, như lời Tử Vụ nói, “Long ỷ này là do Hoàng hậu dùng tính mạng mình đổi lấy, mỗi ngày ngồi trên trẫm đều nhớ đến ân tình của Hoàng hậu” chẳng phải là lời đầu môi chót lưỡi ra vẻ nam chủ si tình, mà đấy là sự thật. Quốc gia nạn khỏi, xã tắc tai qua, bách tính yên ổn, thiên hạ thái bình, đều là vì Tang Ca đem mạng mình đổi lấy.
“Tang Ca.”
“Vâng.”
“Tang Ca.”
“Thiếp đây.”
Đọc bao nhiêu ngôn tình, đoạn gọi tên ấy nhàm quá, nhàm quá, nhưng mũi lại cay xộc lên rồi… Vì dù Tang Ca có đáp lại bao nhiêu lần đi nữa, Trường Dạ Hầu cũng không thể nghe thấy. Đọc bao nhiêu ngôn tình như vậy, chỉ cảm thấy chỉ có Tang Ca mới có thể dùng danh xưng “thiếp” ấy, chỉ có nàng ấy mới thực là yểu điệu thục nữ, xứng cho quân tử hảo cầu…
Thích kiểu con gái dịu dàng, cương liệt mà hiểu chuyện như Tang Ca, như Khuynh Thế, như Chu Hạnh. Không thích Trúc Trữ (Phu đào huyệt), Khúc Tích (Mười năm không xa) ghét A Bích (Khán chu thành bích/Thất dạ đàm của Thập Tứ Khuyết), ghét Khanh Thời (Khuynh Thế) ghét Nhẫn Đông (Nhẫn Đông), ghét cái cách họ ích kỷ và tầm thường như bao nữ chính ngôn tình khác, ghét cái cách họ giết người như ngóe, vậy mà cuối cùng vẫn được hưởng hạnh phúc, còn Tang Ca Khuynh Thế Chu Hạnh lại phải chết thảm, chết rất thảm trong nỗi tủi nhục và cô đơn. Tuyết Thảo cảm giác hơi ti tiện, Trúc Trữ không có được phẩm giá và sự kiêu hãnh của một nàng công chúa, lại còn A Bích dựa vào cái gì mà thay thế Chu Hạnh? Bàn tay vàng? Nói chung là không thích -_-
Xem thêm: Tổng hợp tất cả truyện của Cửu Lộ Phi Hương