[Review] Tiết Thái – Họa quốc

8
1508
views
Thông tin cơ bản:

Tên truyện: Họa Quốc 

Tác giả: Thập Tứ Khuyết

Thể loại: Cổ đại, quốc đấu, HE. 

Nhân vật bình luận: Tiết Thái

Tiết Thái – Phượng hoàng kiêu hãnh tái sinh từ đống tro tàn

Có một đứa trẻ…

3 tuổi biết làm văn, 4 tuổi biết làm thơ

5 tuổi giương cung bắn hổ, 6 tuổi đi sứ Yên quốc

7 tuổi gia tộc diệt vong, bị biếm làm nô lệ
8 tuổi đã bước lên vũ đài chính trị
9 tuổi trở lại trời xanh, dưới một người trên vạn người…

 “Cho dù trải qua bao nhiêu trắc trở, Băng Ly vẫn là Băng Ly, ngạo cốt vẫn còn, không hề thay đổi một chút nào”.

“Giọng nói còn non nớt như thế, ngữ khí lại ngạo mạn như thế, chỉ có thể là kẻ bị đày xuống làm nô lệ nhưng không hề giác ngộ: Băng Ly công tử…”.

Băng Ly – chỉ có mỹ ngọc thiên hạ vô song, mới xứng với kỳ tài thiên hạ vô song như thế. Phong hiệu mà Yên vương ban cho, kỳ thực là sự miêu tả chính xác nhất về con người Tiết Thái. Cứng cỏi như băng đá, trong suốt như lưu ly.

Hách Dịch từng gọi Cơ Anh là “Dạ đế của Bích quốc”, sau khi Cơ Anh bất hạnh qua đời, sau khi Khương Trọng cáo quan quy ẩn, tôi nghĩ danh hiệu này, có lẽ Tiết Thái là phù hợp nhất. Từ một nô lệ, trong mấy năm ngắn ngủi đã leo lên vị trí Dạ đế, quyền khuynh thiên hạ.

“Tiết Thái.. Tiết Thái… xuất sắc như thế, kiêu ngạo như thế, lại bá đạo như thế! ….ngoài trí tuệ ra, hắn còn xuất thân cao quý, vì thế đã bồi dưỡng nên tính cách cao ngạo ngút trời, cậy tài khinh người, ngoài tính cách ra, hắn lại trải qua chuyển biến lớn kinh thiên động địa của đời người – từ trời cao rớt xuống bùn lầy, lại từ bùn lầy trở lại trời cao như thế, khiến hắn ngoài ngạo mạn, còn rèn luyện được tính thận trọng và chu toàn hơn người thường… Hàng loạt các yếu tố này đã tạo thành thái độ ngang ngược coi thường hết thảy của hắn lúc này, mà thái độ ngang ngược ấy chính là điều không thể thiếu của một người làm chính trị thành công”.


Thần đồng. Thừa tướng. Bạch Trạch.

Cái vỏ bọc rực rỡ ấy, che giấu được điều gì? Che giấu được đôi tay thấm máu, che giấu được những việc dơ bẩn hắn làm trên vũ đài chính trị không? Che giấu được trái tim mỏng manh đầy tổn thương của hắn không? Che giấu được sự cô độc của một thiên tài bạc mệnh không?

Không hề.

Lăn lộn quan trường, thăng trầm từng trải, cuồng phong bão vũ, xoay chuyển càn khôn, hai tay đẫm máu, tính toán âm mưu. 9 tuổi kế thừa Bạch Trạch, 15 tuổi khoác lên mình quan phục Thừa tướng, dưới một người trên vạn người, thâm hiểm thủ đoạn, đã sớm không còn là đứa trẻ ngây thơ…

“Bụi trần lắng đọng

Vương ấn đỏ thắm

Mùa thu năm Đồ Bích thứ sáu, hữu tướng cáo lão, từ quan về quê. Hoàng hậu khóc phê chuẩn. Ngày hôm sau, tân tướng được lập.

Là Băng Ly công tử – Tiết Thái”.

Mỹ ngọc thì vẫn trong suốt, nhưng Băng Ly thì không còn thánh khiết như xưa!

Trước đây hắn không sánh được với Cơ Anh, sau này hắn không bằng được Hách Dịch.

Cơ Anh đổi mạng vì Bích Quốc, không phải vì nàng. Hách Dịch chỉ là giúp đỡ. Chỉ có duy nhất Tiết Thái là “hi sinh”.

Hắn hi sinh bản thân, để lại cho nàng một vương triều thịnh thế, để lại cho nàng một tiền đồ như gấm thêu…

Hắn làm tất cả vì nàng, đến phút cuối đời cũng không đổi được một câu “đã từng yêu”.

Phượng quân, tước vị ấy hắn không cần. Hắn giúp đỡ hai người đăng cơ hoàng đế, nhưng không một ai cho hắn thứ hắn muốn.

Trong lòng nàng, hắn là huynh trưởng, là đệ đệ, là trung thần, là tâm phúc, là tri kỷ, là chỗ dựa tinh thần, là kẻ đồng sinh cộng tử, cũng là khai quốc công thần.

“… nếu trên đời này có một người từng cùng mình đi qua giai đoạn đau khổ nhất, thì người ấy sẽ trở thành một phần không thể thiếu của mình. Đối với nàng mà nói, Tiết Thái chính là người không thể thiếu ấy. Thế sự thần kỳ biết bao, bao năm nay, loạng choạng, lảo đảo đi được đến hôm nay, biết bao người hợp rồi tan, tan rồi hợp, đến đi vội vã, biến mất không dấu vết. Chỉ có hắn, từng bước từng bước đi bên cạnh nàng”.

Dẫu hắn lão luyện gấp ba lần độ tuổi của hắn, nhưng nàng chưa từng nhìn hắn như một nam nhân trưởng thành. Tình yêu của hắn chôn giấu trong im lặng, lặng lẽ đến mức ít người nhận ra, cho đến phút cuối hắn mới thừa nhận. Nhưng có lẽ tôi đã nhận ra, Tiết Thái yêu Trầm Ngư ngay từ lúc 7 tuổi, ngay từ những chương đầu, khi nàng dẫn hắn ra khỏi tù ngục, cứu hắn thoát chết, hắn nhìn nàng với “đôi mắt phức tạp”, từ lúc đó đã là ngưỡng mộ, kính trọng, rồi sau này là yêu thương và mong muốn bảo vệ nàng “làm hết những việc dơ bẩn thay nàng để nàng ngồi vững trên ngai vàng Bích quốc”.

Hắn ra đi, nàng khóc cạn nước mắt, nhưng không phải vì yêu, mà chỉ là thương.

Tôi vẫn còn ám ảnh với câu nói chua xót xé lòng trước lúc xuống hoàng tuyền của Tiết Thái:


Nhiều lúc tôi cảm thấy, Tiết Thái giống cựu Thừa tướng Khương Trọng ở chỗ thông minh sắc sảo, lắm mưu nhiều kế, dù thâm hiểm nhưng cũng rất chung tình. Hắn lại giống Cơ Anh ở chỗ nhân cách trong sạch, hết lòng vì chúng sinh, vì thiên hạ, không nghĩ cho lợi ích cá nhân.


Người như vậy, thế gian liệu có mấy người?

Tự sáng tác:

Ngoại truyện: Phượng Hoàng chuyển thế – Hạ sinh
Nguyên tác: “Họa quốc” – Thập Tứ Khuyết 

Canh ba, Tiết phủ.
Bây giờ đang là nửa đêm, bóng tối mù mịt bao trùm lên cảnh vật.

Đáng lẽ giờ này các hào môn đều đã tắt đèn, yên giấc từ hồi nào rồi, nhưng bây giờ trong Tiết phủ lại là khung cảnh tất bật, ồn ã, náo nhiệt vô cùng.

Bởi vì hôm nay ở đây có một sự kiện trọng đại: thiếu phu nhân hạ sinh con đầu lòng.

Tiết gia là một trong tứ đại gia tộc ở Bích Quốc, được hoàng thượng ban cho ân sủng vô ngần, sánh ngang với các vị vương gia thân tộc. Các hào phú thế gia đều muốn lấy lòng, nịnh nọt vị hộ quốc thần tướng uy chấn thiên hạ này. Vì vậy việc ông có cháu đích tôn đương nhiên là một việc cực kỳ quan trọng, người người nhà nhà, kể cả đương kim hoàng thượng, đều đang đỏ mắt ngóng chờ sự xuất hiện của tiểu bảo bối như vàng như ngọc nhà họ Tiết.

Ở gian nhà phía Tây là phòng sinh hạng nhất được chuẩn bị riêng cho phu nhân. Đèn đuốc sáng trưng, giường sinh được phủ nệm bông trắng. Góc tường là từng xấp vải trắng của Chức Tú Phường nhập từ Nghi quốc được giặt sạch sẽ, xếp ngay ngắn gọn gàng, cần dùng là có ngay. Lư hương bằng đồng đốt mùi hương Lệ Chi thanh mát, vừa an tâm dưỡng khí, vừa át được mùi. Các ngự y trong cung phái ra ngồi trên ghế trầm hương ngoài cửa, không ngừng nghĩ ngợi các tình huống xảy ra, nghĩ các đối sách đảm bảo an toàn cho mẫu tử họ Tiết. Các vị thuốc quý được lựa chọn kỹ lưỡng, đặt trong hộp gỗ. Hàng chục nô tỳ vất vả đi đi lại lại chuẩn bị mọi thứ. Dưới phòng bếp chia ra làm hai nhóm. Một nhóm đang tất bật sắc thuốc, nhóm kia đun nước tắm pha hai mươi vị thảo dược phục hồi sức khỏe cho thai phụ và dùng cho đứa bé mới sinh. Hai bà đỡ giàu kinh nghiệm nhất kinh thành được mời đến, đang ở trong phòng trấn an và hướng dẫn phu nhân chu đáo, tận tình.

Đại công tử Tiết Túc, cha của đứa trẻ, không ngừng đi lại, nóng ruột cồn cào, tay chân lúng túng không biết làm gì, cuối cùng chỉ đành thất vọng ngồi trên ghế ở sảnh đường im ắng chờ đợi. Đại tiểu thư Tiết Minh ngồi cạnh ca ca, mặc dù lo lắng không yên, nhưng cũng bình tĩnh hơn, cố gắng trấn tĩnh vị huynh trưởng đang rối loạn.

Đêm nay ở Tiết phủ không ai dám ngủ, mọi người đều thức trắng đêm, thấp thỏm lo âu, chờ đợi.
Hai canh giờ sau, đến giờ Dần, lúc ánh mặt trời đầu tiên chiếu rạng khắp nhân gian, tiếng khóc của đứa bé vang lên. Bà đỡ thần sắc vui sướng rạng rỡ chạy ra khỏi phòng hô to: “Sinh rồi, sinh rồi, là một tiểu công tử”.

Dường như một câu này như tiếng nổ chấn động khắp phủ. Tiết Túc lao từ sảnh đường đến phòng sinh, gạt tất cả mọi người ra, xông vào phòng, đến bên phu nhân không ngừng hỏi han, lo lắng. Khuôn mặt xinh đẹp của Tiết phu nhân trắng nhợt, tóc tai rối bời, y phục xộc xệch, rõ ràng là kiệt sức không thể nói, nhưng vẫn mỉm cười dịu dàng. Đứa bé mới sinh nhăn nhúm, không dễ thương lắm, đã được bà đỡ tắm thảo dược xong, quấn trong tã bằng gấm lụa Vân Nam đỏ rực. Gối khăn được dùng cho đứa trẻ đều làm bằng tơ lụa, không ai dám làm tổn thương đến da thịt non yếu của tiểu bảo bảo. Nôi bằng vàng chạm khắc tinh xảo, phía dưới nệm lụa của phần đáy nôi là một lớp ngọc Lam Điền ấm, tránh đứa bé bị lạnh.

Các tì nữ Tiết phủ lại bận rộn dọn dẹp phòng sinh, xử lý đồ dơ, trong khi những thái y thì thở phào nhẹ nhõm, quỳ gối đồng loạt chúc mừng Tiết công tử và phu nhân, chúc mừng Tiết gia được trời cao ân sủng, mẹ tròn con vuông, viên mãn mọi đường.

Trong Long An điện, hoàng đế Hành Xu ngồi trên ngai vàng, lão tướng Tiết Hoài ngồi ghế ở đại điện nghe thái giám báo tin đều vui mừng khôn xiết. Tiết tướng quân quỳ sụp xuống khấu tạ:

– Lão thần được trời xanh phù hộ, có một tiểu đích tôn, lại được hoàng thượng hết lòng ân sủng, phúc trạch của hoàng thượng bảo hộ cho Tiết gia của thần mẫu tử bình an. Thật là kim ngọc mãn đường, không gì thỏa mãn vui sướng hơn được nữa. Thần khẩn cầu hoàng thượng ngự ban cho nó một cái tên để nó được hưởng long ân vạn phúc che chở, lớn lên khỏe mạnh an bình.

Hoàng đế Hành Xu năm nay 60 tuổi, râu tóc bạc phơ, nhưng nhờ chinh chiến sa trường đã quen, luyện võ từ thuở nhỏ nên vẫn tương đối khỏe mạnh, không lụ khụ đa bệnh như văn thần trạc tuổi. Hoàng đế cất tiếng cười sang sảng, giọng nói trầm ấm như chuông ngân:

– Đứa cháu của ái khanh sinh ra khi mặt trời vừa ló dạng, ấy là điềm lành, ý nói nó sẽ sống trong ánh dương rực rỡ, xua tan bóng tối, đem lại phúc trạch cho nhân gian. Quẻ Thái là quẻ thứ 11 trong Kinh Dịch – do quái Càn ở dưới và quái Khôn ở trên hợp thành, tượng trưng cho sự hanh thông tốt đẹp. Thoán truyện nói: “Thông thuận, thái hòa,…, tốt lành hanh thông. Đây là thuyết minh việc trời đất âm dương giao hòa kết hợp,.. đạo quân tử tăng trưởng, đạo tiểu nhân tiêu vong”. Thật là một thiên ân hiếm có. Vậy ban cho đứa trẻ chữ “Thái”, hy vọng nó luôn sống nổi bật chói sáng, tài hoa tuyệt thế như cái tên của nó vậy”.


Như vậy vào một ngày đại cát, khi ánh nắng mặt trời đầu tiên ló rạng, tiểu công tử Tiết Thái của Tiết phủ được những danh y hàng đầu giúp đỡ mà hạ sinh, được hoàng đế ban tên, được muôn người chúc phúc, trở thành một truyền kỳ trong thiên hạ.

Ngày hôm sau, Tiết phu nhân được ngự phong thành Nhất phẩm cáo mệnh phu nhân, vàng bạc trân châu ban thưởng chảy vào Tiết phủ nhiều như nước. Các quan lại, vương tôn, quý tộc ra sức lấy lòng, cũng đem đủ thứ kỳ trân dị bảo quý hiếm, những đồ tôn quý đến biếu tặng, nhất thời Tiết phủ tràn ngập trân bảo, lóng lánh mỹ miều, những thứ vô giá người thường mơ không nổi.

Đồ chơi, y phục, món ăn của Tiết tiểu công tử đương nhiên càng được chăm chút tỉ mỉ, kỹ càng hơn bao giờ hết.

Ngày hai ba tháng sáu, Tiết phu nhân được hoàng hậu lệnh bế đứa trẻ vào cung ra mắt bà. Hoàng hậu nhìn đứa bé trắng trẻo khả ái bọc trong gấm đỏ, vui mắt thích ý, bế một hồi lâu rồi đem đôi hài nhỏ xíu được Cẩm Tú ty trong cung thêu ra ban cho tiểu công tử. Đôi hài này được đích thân hoàng thượng dặn dò bà mấy tháng trước phải nhanh chóng lệnh cho Cẩm Tú ty thêu. Ty trưởng rất thức thời, biết rằng hoàng thượng sủng ái Tiết gia ngút trời nên vội vàng sai những thợ thủ công tay nghề giỏi, nhiều kinh nghiệm nhất, sử dụng lụa tơ tằm, chỉ ngũ sắc ép nhũ vàng, thêu mấy tháng mới xong. Đôi hài trắng viền đỏ, bên trên thêu Phượng Hoàng. Biểu tượng của Tiết Thái chính thức được mặc định, là Phượng Hoàng.

Phượng Hoàng hài tử, ánh sáng thái dương, dường như tất cả những gì chói ngời nhất, rực rỡ nhất, cao quý nhất thế gian đều tập trung về đứa trẻ được bọc trong tã, đôi mắt trong veo như nước hồ thu đang mỉm cười khanh khách trên tay hoàng hậu.

Tác giả: Băng Ly

8 COMMENTS

  1. Combo nam phụ si tình chết thảm Tiết Thái, Mặc Liên (Lưu Triệt ), Tô Mộ Hàn vào chung 1 cuốn truyện thì đúng là huỷ diệt tuyến lệ, Cơ Anh được miêu tả xuất chúng nhưng t cứ thấy giống 1/2 Dung Chỉ, là Dung Chỉ phiên bản tâm địa Bồ tác, một lòng với chúng sinh

  2. Có thể nào viết tiếp ngoại truyện cho tiết thái và trầm ngư có 1 cái kết he được không

  3. Bạn có thể viết một ngoại truyện về Tiết Thái và Trầm Ngư được không?,tôi rất rất thích cặp đôi này và mong muốn có một câu truyện riêng ngọt ngào cho 2 người ?

    • À, ngoại truyện này là do mình viết nha bạn. Mình ghi rõ tên tác giả là “Băng Ly” mà….

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here